Kinh tế - Thị trường

'Bò sữa' Vinamilk giảm lãi vì giá nguyên liệu tăng gần 20%

Ước tính chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh tới 19,2% đã đẩy giá vốn của Vinamilk tăng cao và làm giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

 Vinamilk công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong 3 tháng đầu năm 2018. Tổng doanh thu thuần của công ty đạt 12.120 tỷ đồng, gần như giữ nguyên so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, doanh thu từ các sản phẩm chủ đạo là sữa và đồ uống giảm nhẹ khoảng 2%.

 

Vinamilk lý giải, doanh thu từ sữa giảm do thời tiết giá lạnh kéo dài hơn dự kiến. Trên thực tế, thị phần của công ty vẫn được cải thiện, khi giành thêm được 0,5% thị phần trong quý I.

 

Doanh thu xuất khẩu giảm 16,8% so với cùng kỳ còn 931 tỷ đồng, đóng góp 7,7% vào tổng doanh thu. Đại diện Vinamilk cho hay các nhà phân phối của công ty tại Iraq đã chủ động giảm tiêu thụ tại thị trường này vì rủi ro phải thu khó đòi cao.

 

Bên cạnh đó, doanh thu từ công ty con, gồm Driftwood tại Mỹ và Angkor tại Campuchia cũng giảm 6,4% so với cùng kỳ xuống còn 784 tỷ đồng.

 

Sự sụt giảm về doanh thu được bù đắp nhờ công ty đường Vinamilk mới thâu tóm. Ước tính, đường mang lại khoảng 500 tỷ đồng doanh thu của Vinamilk trong quý đầu năm.

 

Mặc dù vậy, vấn đề đang làm ‘bò sữa’ đau đầu lại nằm ở đầu vào. Giá vốn hàng bán trong quý I/2018 của Vinamilk đã tăng 6,5% so với cùng kỳ, lên mức 6,6 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh tới 19,2%.

 

“Dường như nguyên nhân chính là giá bột sữa nguyên kem WMP tăng 13% và giá chất béo khan AMF tăng 30%”, báo cáo của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định. Tuy nhiên giá đường và bột sữa tách béo có xu hướng giảm lần lượt 10% và 14%.

 

Với những công ty sữa như Vinamilk, giá nguyên liệu đầu vào đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu giá thành. Đây cũng là rủi ro của công ty khi bột sữa đều phải nhập, gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát giá.

 

Chi phí nguyên liệu kéo giá vốn hàng bán tăng tốc nhanh hơn doanh thu. Kết quả là tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2018 của Vinamilk giảm 8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 2.701 tỷ đồng.

 

Một yếu tố khác, thị trường sữa tại Việt Nam đang tăng trưởng khá chậm. Dù lượng sữa tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Singapore, song thị trường sữa trong nước cũng không bùng nổ mạnh mẽ như giai đoạn trước đó. Bình quân mỗi năm, tốc độ tăng trưởng của thị trường sữa chỉ từ 5 – 7%. 

 

Để cải thiện kết quả kinh doanh, Vinamilk đã đề ra chiến lược sản phẩm đi vào phân khúc trung và cao cấp hơn, song song với việc tăng độ phủ tối đa ở nông thôn. Vinamilk có khoảng 250 loại sản phẩm bao quát toàn bộ ngành sữa Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ở mọi mặt trận, Vinamilk đều đang bị cạnh tranh rất gắt gao. Tại thị trường sữa bột cho trẻ em, Abbot và các thương hiệu sữa ngoại đang chiếm ưu thế. Ở nông thôn, sữa dinh dưỡng dành cho người gầy của Nutifood rất thành công. Trên thị trường sữa tươi, TH Milk đã ghi dấu ấn, còn Vinasoy thống lĩnh mảng sữa đậu nành.

 

Triển vọng khiêm tốn trong năm 2018, nhưng HSC vẫn đánh giá Vinamilk khá lạc quan trong trung hạn. Theo HSC, động lực tăng trưởng của Vinamilk có thể đến từ 2 yếu tố chính: Kế hoạch thoái vốn của SCIC và hoạt động M&A.

 

Trong năm 2018, SCIC có khả năng sẽ tiếp tục bán đấu giá cổ phần Vinamilk. Hiện cả F&N và gần đây là Jardine C&C đều muốn trở thành cổ đông lớn nên có vẻ có nhu cầu mua vào các lô lớn cổ phiếu Vinamilk. Nếu SCIC bán, hoàn toàn có cơ sở để nhà đầu tư muốn mua sẽ trả giá cao để giành quyền kiểm soát, tương tự như trong trường hợp của Sabeco. Đây cũng là giả định để nhà đầu tư tiếp tục lạc quan với Vinamilk.

 

Ngoài ra, theo HSC, có một số dấu hiệu cho thấy Vinamilk đang theo đuổi một chiến lược M&A tích cực cả trong và ngoài nước.

 

“Vinamilk đã mua 65% cổ phần Đường Khánh Hòa và đây là một dấu hiệu nữa cho thấy công ty đang ngày càng quan tâm đến hoạt động M&A. Với dòng tiền mặt tự do là khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm và kế hoạch đầu tư hàng năm trong 4 năm tới chỉ là 3.400 tỷ đồng, Vinamilk có nhiều tiền để chi cho hoạt động M&A”, báo cáo của HSC phân tích.

 

Tại thời điểm cuối năm 2017, lượng tiền mặt của Vinamilk rất dồi dào, đạt 11.083 tỷ đồng. Đây có thể là một động lực giúp cải thiện kết quả kinh doanh của Vinamilk, dù quy mô các thương vụ M&A vẫn còn khiêm tốn.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác