Kinh tế - Thị trường

Giá sữa bị ‘nhào nặn’ muôn hình vạn trạng

Bên cạnh việc giá sữa liên tục tăng giá trong thời gian qua thì việc giá sữa bán lẻ đa dạng, phong phú cũng đang khiến người tiêu dùng đau đầu. Giá bán ở mỗi nơi một khác có thể chênh nhau từ vài nghìn tới vài chục nghìn/hộp sữa nhưng không hề bị quản lý.
Mỗi nơi một giá
 
Theo Tuổi Trẻ, tại TP.HCM, giá bán lẻ sữa bột đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các điểm bán. Dòng sữa Enfagrow A+3 loại 1,8kg bán tại khu vực đường Nguyễn Thông (Q.3) với giá từ 860.000- 870.000 đồng/hộp nhưng tại 1 cửa hàng sữa trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) thì giá bán là 885.000 đồng/hộp. Tương tự, dòng Enfamil A+1 loại 900g bán tại cửa hàng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12) cũng được đẩy lên mức 560.000 đồng/hộp trong khi giá tại cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) chỉ ở mức 548.000 đồng/hộp.
 
Với những dòng sản phẩm của Abbott cũng chênh lệch nhau 10.000-30.000 đồng/hộp tùy loại giữa các điểm bán. Ví như, sữa Similac Gain 3 loại 900g của Abbott ở mức gần 470.000 đồng/hộp tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, trong khi tại một số cửa hàng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ giá ở mức 480.000-485.000 đồng/hộp.
 
Trong khi đó, theo báo Người Lao Động, sữa Friso Gold số 3 (dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, loại 900 g), trên trang web rao bán 435.000 đồng/hộp, một siêu thị trên đường Cống Quỳnh ghi giá 458.500 đồng/hộp, còn một cửa hàng trên đường An Dương Vương (Q.6) thì đề giá 473.000 đồng/hộp. Sữa Ensure Gold dành cho người bệnh (loại 900 g) tại một cửa hàng trên đường An Dương Vương (quận 6) ghi giá 723.000 đồng/hộp, trong khi một siêu thị ở Q.7 bán 698.000 đồng, cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông lại bán với giá 650.000 đồng.
 
Tại Hà Nội, tình trạng giá sữa chênh lệch cũng sôi động không kém. Trên đường Lạc Long Quân, giá 1 hộp sữa Physiolac 3 bên này đường thì bán 425.000 đồng nhưng đối diện bên kia đường bán chỉ có 410.000 đồng. Hoặc sữa Nan Nga, bán tại đầu đường Thuỵ Khuê có giá 620.000, nhưng gần đó tại cuối đường Hoàng Hoa Thám chỉ bán 590.000 đồng. Tại phố Vạn Bảo, sữa Similac dành cho trẻ 0-6 tháng tuổi có giá 250.000 đồng/hộp 400g trong khi một số cửa hàng trên phố Hàng Buồm thì được bán chỉ 235.000-240.000 đồng.
 
Giá sữa không chỉ chênh lệch giữa các cửa hàng mà còn chênh lệch giữa giá đăng ký với Bộ Tài chính và giá bán lẻ thực tế ngoài thị trường. Hiện giá bán lẻ sữa đang chênh lệch từ vài chục tới cả trăm nghìn đồng/hộp so với giá kê khai giá mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi của các hãng sữa với Bộ Tài chính.
 
Sản phẩm sữa Enfagrow A+1 loại 1,8kg ở mức 672.441 đồng/hộp, trong khi giá niêm yết tại cửa hàng lại tới 869.000 đồng/hộp, chênh lệch tới 197.000 đồng/hộp. Hay Enfamil A+1 loại 900gr đăng ký ở mức 430.000 đồng/hộp, giá thị trường ở mức 555.000 đồng/hộp.
 
Tại siêu thị Metro Hà Đông, Frisolac Gold có giá 516.000 đồng/hộp loại 900gr, Friso Gold dành cho trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi là 508.000 đồng/hộp 900g, Friso 2 dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi có giá 298.000 đồng/hộp 900g cao hơn từ 30.000- 50.000 so với giá bán lẻ Công ty FrieslandCampina đăng ký với Bộ Tài chính.
 
Theo đại diện Bộ Tài chính cho biết: giá bán lẻ kê khai của các công ty đã bao gồm cả chiết khấu hoa hồng cho các đại lý thì việc chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá kê khai là khó chấp nhận. Theo ghi nhận mới đây của Bộ Tài chính về giá hơn 100 sản phẩm sữa trên thị trường cho thấy giá sữa bán lẻ cao hơn giá bán buôn khoảng 5-10% và diễn ra ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
 
Dấu hỏi quản lý
 
Theo chủ đại lý Hùng (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thông thường giá bán được các đại lý đưa xuống thì cứ thế bán theo. Một số đại lý trên đường Nguyễn Thông (Q.3) cũng cho biết giá bán được các đại lý cấp 1 đưa xuống bằng văn bản cho các cửa hàng, sau đó căn cứ theo đó để bán cho người tiêu dùng.
 
Các doanh nghiệp sữa thì cho rằng họ cũng không quản lý giá bán lẻ, đó là thỏa thuận riêng giữa cửa hàng, đại lý bán và đại lý phân phối. Tuy nhiên, việc để mặc các đại lý tự tung tự tác cũng là một trong những bước để doanh nghiệp tiến gần tới tới việc làm giảm giá trị thương hiệu của mình.
 
Bên phía các nhà quản lý thị trường, tình hình cũng không sáng sủa hơn là bao. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nguyên nhân khiến giá sữa khó kiểm soát trong nhiều năm liền là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước. Đơn cử như theo nghị định 177 năm 2013, giá sữa bán sỉ của các doanh nghiệp do Cục Quản lý giá quản lý; giá bán lẻ mặt hàng này tại các cửa hàng, đại lý được quản lý bởi các quận huyện nơi các cửa hàng, đại lý hoạt động. Tuy nhiên, tại các quận huyện hầu như không có người chịu trách nhiệm quản lý giá các sản phẩm này.
 
Ngay trong cuộc họp liên bộ về tình hình giá sữa hồi đầu tháng 3, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - khẳng định: “Việc quản lý giá sữa từ trước tới nay được Bộ Tài chính làm rất nghiêm túc và quyết liệt, căn cứ vào Pháp lệnh Giá từ năm 2003 tới nay.” Thế nhưng, khi được hỏi về tình hình thị trường sữa hiện nay, theo Vietnamnet, ông Tuấn lại phân trần: “Chúng tôi chưa thống kê hết được có bao nhiêu công ty kinh doanh sữa trên cả nước. Chúng tôi chỉ quản lý việc kê khai giá ở 6 công ty sữa.” Một điều lạ là, dù liên tục nhấn mạnh Cục Quản lý giá chỉ quản lý giá sữa, vậy nhưng, song thực tế lại chỉ là nắm bắt diễn biến tăng giá của doanh nghiệp dựa trên... báo cáo và qua điện thoại. Thế nên, mới xảy ra chuyện lạ đời như hồi năm 2011:  giá sữa tăng liên tục mà Cục Quản lý giá lại kêu là chưa hề chấp thuận việc này. Hay như việc các bộ ngành khẩn cấp đưa sữa vào danh mục bình ổn giá mà vẫn tăng giá một cách công khai như thể chẳng có ai quản lý, dù theo cơ chế hiện nay, Bộ Tài chính quản lý về giá, Bộ Công thương quản lý về thị trường!
 
Vĩ Thanh
Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác