Kinh tế - Thị trường

Giá sữa giảm đồng loạt: Giữ được bao lâu?

Hôm 21/6, hầu hết mặt hàng đã giảm giá, trung bình từ 20.000- 80.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, vẫn có những mặt hàng chưa có tín hiệu rõ ràng cho việc này.

 Chưa kịp đăng ký, vẫn phải giảm ngay

 

Mua sữa ở cửa hàng phố An Trạch, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Nga vui vẻ nói: "Giá sữa giảm đáng kể!". Chị Nga vừa mua một hộp sữa 900g của Frisolac với giá 441.000 đồng/hộp. So với giá cũ, giá mới đã giảm 29.000 đồng/hộp. Bà mẹ trẻ này nhẩm tính: "Mỗi tháng con uống tới 4 hộp sữa, theo giá cũ, "ngốn" mất khoảng gần 2 triệu đồng tiền sữa. Nhưng giờ hạ giá, mỗi tháng tiết kiệm được gần 120.000 đồng".

 

Trên thực tế, sữa Frisolac, do Công ty Friesland Campina phân phối đã giảm giá ngay từ 30/5, sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định áp trần giá sữa 10 ngày.

 

Tại cửa hàng Bích Hiền, số 15, Hàng Giầy, Hà Nội, biển thông báo của hãng này liệt kê 5 mặt hàng bán lẻ thấp hơn giá trần lẻ theo quy định của Bộ Tài chính.

 

Sữa, bình-ổn-giá, tăng-giá-sữa, giảm-giá-sữa, doanh-nghiệp-sữa, sữa-ngoại, giá-trần, lạm-phát, thiểu-phát, GDP.

Các cửa hàng khẳng định, một số nhãn hiệu sữa vẫn chưa hạ giá. (Ảnh: Phạm Huyền)

 

Ví dụ, Frisolac Gold 1 hộp 900g được phép bán cao nhất cho người tiêu dùng là 466.900 đồng/hộp, nhưng cửa hàng chỉ bán 448.000 đồng/hộp, thấp hơn 18.900 đồng/hộp. Cũng dòng sữa này, loại Gold 2, giá trần bán lẻ là 460.000 đồng/hộp nhưng giá bán lẻ thực tế thấp hơn 19.000 đồng/hộp.

 

Trước đó, từ ngày 28/5, công ty Dinh dưỡng 3A, phân phối sữa Abbott cũng treo biển hỗ trợ giá tại các cửa hàng. Mức giá bán lẻ chỉ tăng 5% so với giá trần bán buôn. Ví dụ, sữa Similac Gain Plus IQ của hãng này chỉ còn bán ở mức 425.000 đồng/hộp, Abbott Grow 3 có giá bán lẻ 271.000 đồng/hộp.

 

Ngày 11/6, 5 mặt hàng thuộc dòng Pedia + 1 và Dielac Alpha Step 1, 2 của Vinamilk cũng bắt đầu giảm giá bán lẻ khoảng 20.000- 40.000 đồng/hộp.

 

Còn lại, hàng trăm mặt hàng sữa đang có mặt trên thị trường Việt Nam mới bắt đầu giảm giá từ ngày 21/6, hạn chót áp giá bán lẻ tối đa đúng theo "lệnh" bình ổn của Bộ Tài chính.

 

Tại Tp HCM, tính đến chiều 21/6, Sở Tài chính đã công bố giá bán lẻ tối đa của 15 công ty sữa trên địa bàn với 316 mặt hàng. Đây là nơi tập trung nhiều nhà nhập khẩu lớn với 20 nhãn hiệu sữa khác nhau.

 

Ngoài các nhãn sữa của 5 công ty lớn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính như Nan, Lactogen, Friso, Frisolac, Dutch Lady, Enfamil, Enfagrow, Abbott, Similac, các nhãn sữa ngoại phổ biến tại đây là XO, Fulac, Bobolac, sữa Wellcare, Arti Gain, Insulac, VitaGain, Dumex, Dollac, Fam XO, Humana, Meiji...

 

Sở Tài chính Hà Nội cũng công bố giá bán lẻ tối đa 81 mặt hãng sữa do 8 công ty nhập khẩu và phân phối lớn trên địa bàn đăng ký giá. Tại đây có 14 nhãn hiệu sữa với các mức giảm giá trung bình từ 30.000-80.000 đồng/hộp. Đó là các nhãn sữa như Royal, Calokid, Pedia Care, Colosbaby, Coloskid, Santebaby, Santekia, Vitadairy, Grow, Goatlac, Goatamil, Celia, Candia, Wakodo.

 

Nhìn chung, giá trung bình cho hộp sữa 900g khoảng từ 250-370.000 đồng/hộp. Số lượng các sản phẩm có giá trên 400.000 đồng/hộp 900g không nhiều.

 

Tuy nhiên, cá biệt, cũng có những loại sữa sau khi áp trần, giá vẫn khá đắt khoảng gần 650.000 đồng/hộp 800g như sữa bột IAM của công ty XNK Nam Dương.

 

Sở Tài chính Hà Nội còn yêu cầu, nếu các công ty chưa thực hiện việc đăng ký giá, nhưng có mặt hàng đang bán lẻ thấp hơn 15% so với giá bán buôn tối đa thì được tiếp tục bán như hiện hành. Trường hợp giá bán lẻ cao hơn thì các công ty không được phép thực hiện giá bán như hiện hành mà phải giảm, sao cho chỉ được cao hơn 15% so với giá trần bán buôn.

 

Mặt bằng giá mới

 

 

Sữa, bình-ổn-giá, tăng-giá-sữa, giảm-giá-sữa, doanh-nghiệp-sữa, sữa-ngoại, giá-trần, lạm-phát, thiểu-phát, GDP.

Hãng sữa giảm sớm sẽ chiếm được thị phần. (Ảnh: Phạm Huyền)

 

Theo Quyết định 1079 của Bộ Tài chính ngày 20/5, việc áp giá trần sẽ chỉ thực hiện trong 1 năm và việc đăng ký giá sẽ chỉ thực hiện trong 6 tháng.

 

Anh Lợi, một ông bố trẻ có con 15 tháng tuổi vừa mua sữa tại cửa hàng Toàn Thịnh, phố Hàng Buồm chia sẻ: "Nhà nước cầm cương được giá sữa như hiện nay đã đảm bảo quyền lợi lớn cho người dân, nhất là cho hàng triệu trẻ em Việt Nam. Nhưng làm sao, mặt bằng giá cả của mặt hàng này vẫn phải được duy trì sau khi hết hạn áp giá trần!"

 

Chẳng hạn, theo phản ánh của ông bố trên: "Sữa Picot vẫn không hạ giá. Mấy tháng nay, giá một hộp vẫn là 433.000 đồng/hộp". Đây là nhãn sữa ngoại do Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu Đức Nam (Hà Nội) phân phối.

 

Cùng đó, nhiều cửa hàng tại Hà Nội khẳng định, ngoài 5 mặt hàng thuộc danh sách trong Quyết định áp trần của Bộ Tài chính, nhiều hãng sữa vẫn chưa có thông báo giảm giá cho đại lý ở các mặt hàng còn lại.

 

Chủ một cửa hàng sữa gần phố An Trạch, Hà Nội liệt kê, với trọng lượng 900g, giá bán lẻ dòng Optimum của hãng sữa này vẫn như cũ: Step 1 là 379.000 đồng/hộp, Step 2 là 373.000 đồng/hộp, Step 3 là 362.000 đồng/hộp và Step 4 bán lẻ 330.000 đồng/hộp. Lý do là bởi, hãng vẫn chưa có thông báo nào về chính sách bù chênh lệch giữa giá cũ và giá mới cho các nhãn sữa trên.

 

Đăng ký giá của Vinamilk tới Sở Tài chính Tp HCM vẫn cho thấy, hãng đã hạ giá cả 35 mặt hàng. Các các dòng Optimum trên đều đã phải giảm giá bán lẻ từ 2.000-5.500 đồng/hộp so với mức trên.

 

Một chuyên gia về thị trường sữa nhìn nhận, đăng ký giá trần chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là việc thực thi này sẽ diễn ra ổn định trong bao lâu?

 

Ước tính, cả nước đang có khoảng 400 nhãn hiệu sữa khác nhau lưu thông, đa dạng chủng loại, chất lượng với hệ thống phân phối bán lẻ phủ kín tới từng ngõ ngách khu dân cư. Bởi vậy, việc hậu kiểm cần phải làm thường xuyên mới mới mong thực sự ghìm cương thị trường này.

 

Phạm Huyền

Nguồn: vietnamnet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác