Kinh tế - Thị trường

Hàng thiết yếu lập mặt bằng giá mới

Bà nội trợ đang phải đối mặt với nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá giữa lúc các doanh nghiệp, nhà phân phối cũng nỗ lực kìm giá để giữ chân khách hàng

 Cuối tháng 4, một lò bánh mì trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TP HCM) dán bảng thông báo: "Bánh mì lên giá 6.000 đồng/ổ", tăng giá 1.000 đồng/ổ so với trước đó. Khách phàn nàn thì chủ lò nói bột mì tăng giá liên tục buộc phải tăng giá bánh mì vì không muốn giảm chất lượng.

 

Áp lực giá nguyên liệu

 

Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro (TP HCM) - chuyên nhập khẩu lúa mì để làm bột mì, cho hay bột mì là nguyên liệu chính để sản xuất nhiều loại thực phẩm quen thuộc như: mì gói (45%), bánh mì (15%-20%), còn lại dùng chế biến cám cho thủy sản, gia súc nhưng 100% bột mì sử dụng trong nước đều phải nhập khẩu. "Từ tháng 10-2020, giá lúa mì tăng trên toàn cầu, đến nay mức tăng đã lên tới 40%. Nhiều thời điểm giá bán bột mì còn thấp hơn giá lúa mì do nhà máy còn lượng hàng tồn kho giá cũ" - ông Khánh thông tin.

 

Tương tự với mặt hàng sữa, chị Trần Thị Nhung (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) kể cách đây vài hôm khi đi mua sữa bột hiệu R. của một thương hiệu trong nước cho con thì được cửa hàng quen thông báo tăng giá 10.000 đồng/hộp 900g lên 305.000 đồng. Khi nghe giá tăng, chị Nhung thử thăm dò giá một số cửa hàng lân cận thì giá cũng tương đương, thậm chí có nơi còn cao hơn nên buộc phải mua.

 

Ông Nguyễn Văn Tài, chủ cửa hàng Thế Giới Sữa (đường Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM), xác nhận đang có một đợt tăng giá sữa, chủ yếu là sữa bột với mức tăng khoảng 5%. Ngoài tăng giá chính thức, có hãng còn giảm chiết khấu, quà tặng hay hình thức khác là bỏ mẫu cũ, ra mẫu mới và bán giá cao hơn.

 

Theo công bố của Bộ Công Thương, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là doanh nghiệp gần đây nhất thông báo tăng giá nhiều sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, mức tăng trong phạm vi 5%, áp dụng từ ngày 29-4. Ngoài Vinamilk, tính từ đầu năm 2021 đến nay có 3 thông báo tăng giá bán sản phẩm hoặc thông báo giá sản phẩm mới của 2 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam.

 

Việc tăng giá sữa đã được các nhà sản xuất dự báo trước khi giá nguyên liệu (sữa bột nguyên kem) trên thế giới tăng mạnh suốt một năm trở lại đây và đang ở mức cao nhất trong vòng 6 năm. Theo trang Global Dairy Trade, giá sữa nguyên liệu lập đỉnh hồi tháng 2-2021 ở mức 4.364 USD/tấn sau đó giảm về mức 4.083 USD/tấn hồi tháng 3 và đột ngột tăng lại chỉ ít ngày sau. Ở thời điểm hiện tại, giá sữa nguyên liệu đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 5-2020, giá sữa nguyên liệu là 2.677 USD/tấn).

 

Cân nhắc việc tăng giá

 

 

Nhiều siêu thị cho biết các sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất dựa vào nguyên liệu nhập khẩu như dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền... đã tăng giá trung bình từ 5%-15% do khan hiếm nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng... "Việc tăng giá này xảy ra từ tháng 3 và là hệ quả của một mùa dịch Covid-19 kéo dài từ năm ngoái" - đại diện một siêu thị lớn phân tích và nêu dẫn chứng giá nguyên liệu dầu thực vật trên thế giới đã tăng gấp rưỡi trong nửa năm qua, giá dầu ăn trong nước vì vậy thuộc nhóm hàng có tỉ lệ tăng giá cao nhất đợt này.

 

Đại diện AEON Việt Nam cho biết siêu thị đang trong quá trình cân nhắc, xét duyệt đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp. Tuy nhiên, đây là diễn biến mang tính chất định kỳ hằng năm, thường là khoảng tháng 3 và tháng 4, các nhà cung cấp sản phẩm cho AEON Việt Nam sẽ gửi đề nghị tăng giá, dựa vào các yếu tố như lạm phát, giá vận chuyển hàng hóa, tỉ giá USD (với các nhà cung cấp hàng nhập khẩu). Bộ phận thu mua của siêu thị sẽ cân nhắc dựa trên những số liệu nhà cung cấp đưa ra, kết hợp với các yếu tố như mặt bằng giá chung của sản phẩm đó, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng đối với sản phẩm... để đưa ra mức giá mới phù hợp.

 

Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng Phòng Marketing hệ thống siêu thị MM Mega Market, cũng xác nhận hệ thống này điều chỉnh giá một số mặt hàng nhưng đó là diễn biến bình thường trong kinh doanh, không phải đột biến.

 

Theo ông Khôi, do đã quen với trạng thái "bình thường mới", "sống chung với dịch" nên người tiêu dùng không còn tâm lý hoảng loạn, đổ xô vào siêu thị mua hàng tích trữ như đợt bùng phát dịch lần đầu cách đây 1 năm. "Đợt dịch đầu tiên, người tiêu dùng có tâm lý mua gom nhu yếu phẩm, gần như không quan tâm đến giá cả nhưng lần này, đa số khách hàng soi giá rất kỹ và có sự so sánh giá giữa các điểm bán, cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua hàng nên nhà bán lẻ nào cũng phải đẩy mạnh khuyến mãi để lấy doanh số" - ông Khôi thông tin.

 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết từ giữa tháng 4, các siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5. Tất cả các đề nghị tăng giá của nhà cung cấp đều được Saigon Co.op xem xét cẩn trọng, trường hợp điều chỉnh sẽ theo lộ trình hợp lý dựa trên độ trễ đặc trưng của từng lô hàng, ngành hàng. Saigon Co.op đang nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, nhà cung cấp để cùng nỗ lực giữ giá, đồng lòng cắt giảm lợi nhuận để giảm giá hàng hóa nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng. Cụ thể, từ nay đến ngày 19-5, hơn 10.000 sản phẩm nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng... đang được bán giảm giá 15%-50% tại các siêu thị, cửa hàng thuộc Saigon Co.op.

 

Chuỗi siêu thị Lotte Mart cũng đang chạy hàng loạt chương trình khuyến mãi trong tháng 5 để thu hút khách. "Cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều rất cân nhắc khi điều chỉnh giá những mặt hàng có sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu và một số mặt hàng thiết yếu vì người tiêu dùng đang trong giai đoạn nhạy cảm với yếu tố giá và có xu hướng tiết giảm chi tiêu. Vì vậy, nhà kinh doanh phải tích cực giảm giá, khuyến mãi những mặt hàng có thể giảm giá được để giúp khách hàng cân đối chi phí cho giỏ hàng hóa mà không cảm thấy quá áp lực" - đại diện Lotte Mart nói.

 

Không phải thời điểm thích hợp để tăng giá

 

Đại diện hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM xác nhận đến thời điểm này, nhiều mặt hàng trong nước như gạo, thịt heo, rau củ quả, cá... đều được giữ giá tốt, không có hiện tượng tăng giá.

 

Theo các doanh nghiệp chuyên phân tích sự nhạy cảm của người tiêu dùng với diễn biến giá, người dân đang trong giai đoạn khó khăn, có xu hướng chi tiêu tiết kiệm và đây không phải là thời điểm thích hợp để điều chỉnh giá theo chu kỳ, trừ những trường hợp không thể không tăng.

 

VƯƠNG NGỌC - THANH NHÂN

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác