Kinh tế - Thị trường

Người chăn nuôi bò sữa lại gặp khó

Mấy ngày gần đây, người chăn nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đứng ngồi không yên vì lượng sữa bò sản xuất ra đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Chiều 15-12, khi các hộ chăn nuôi mang sữa lên điểm thu gom sữa để bán, nhưng đại diện điểm thu gom không thu mua, dẫn đến gần một trăm hộ chăn nuôi phải mang sữa về tự xử lý.

 Bà Nguyễn Thị Thoa, chủ hộ chăn nuôi bò sữa ở thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng cho biết: Gia đình bà có ba con bò, trong đó hai con đang cho sữa, mỗi ngày sản xuất hơn 30 lít sữa. Khi điểm thu gom từ chối không thu mua, bà Thoa đành mang sữa về, phần thì để uống, phần để làm sữa chua, số còn lại nhờ các con mang đến cơ quan bán cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, không phải hộ chăn nuôi nào cũng có thể tự tiêu thụ sữa như gia đình bà Thoa. Có những hộ có tới ba, bốn con bò đang cho sữa, mỗi ngày sản xuất khoảng 70 đến 80 lít sữa thì việc không bán được sữa cho công ty khiến họ bị thiệt hại nặng.

Lý giải về việc không thu gom sữa cho người dân, ông Vũ Văn Thực, đại diện Trạm trung chuyển thu gom sữa của Vinamilk cho biết: “Khoảng nửa tháng nay, sản lượng sữa bò của các hộ dân tăng đột biến. Số lượng mua của Công ty Vinamilk không thay đổi, nhưng lượng sữa tăng lên, do vậy trạm thu gom không thể mua hết”. Trung bình mỗi ngày, trạm thu gom của ông Thực thu mua hơn tám tấn sữa, song do lượng sữa tăng nhanh, cho nên dù sau một ngày không gom sữa, trạm vẫn còn tồn khoảng 1,6 đến 1,7 tấn sữa.

Theo những người chăn nuôi, vào đầu năm nay, họ được Công ty Vinamilk mời lên khám sức khỏe, ký hợp đồng và cấp cho một mã thẻ. Theo đó, khi hồ sơ của các hộ dân được duyệt, họ sẽ được công ty mở mã thẻ để thu mua sữa. Mỗi hợp đồng có thể được mua thấp hoặc cao hơn khoảng ba lít so với số lượng đã ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay đã gần một năm trôi qua, công ty vẫn chưa mở mã thẻ để thu mua sữa cho dân, cũng không có thông tin gì về việc này, khiến người dân không khỏi nghi ngại.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết, hiện toàn xã Phù Đổng có khoảng 1.940 con bò sữa, trung bình cho sản lượng sữa từ 16 đến 17 tấn/ngày. Hiện, có ba doanh nghiệp thu mua sữa trên địa bàn, nhưng đơn vị thu mua nhiều nhất là Vinamilk (thu mua khoảng 50% sản lượng sữa của địa phương); còn lại là các doanh nghiệp như Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP, Hanoimilk và các điểm thu mua nhỏ lẻ. Giá mua sữa của các công ty cũng có sự chênh lệch đáng kể. Cao nhất là Vinamilk với mức giá là 14.150 đồng/kg. Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP mua với giá 11 nghìn đồng/kg. Hanoimilk và các điểm thu mua nhỏ lẻ thì giá mua còn thấp hơn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản lượng sữa làm ra không được tiêu thụ hết là do vào mùa đông, nhu cầu sử dụng sữa tươi của người dân thấp hơn, trong khi đàn bò lại sản xuất ra nhiều sữa và Công ty Vinamilk không mở mã thẻ để mua sữa cho người dân. Một nguyên nhân nữa, theo ông Tĩnh là do hiện nay ở xã Phù Đổng, việc phát triển đàn bò đang diễn ra tự phát, không tập trung và không đúng quy hoạch. Do đó, việc kiểm soát sản lượng sữa của người chăn nuôi không được chính xác.

Người dân xã Phù Đổng rất mong các cấp, ngành chức năng có giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi bò sữa tại đây. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố cần có chiến lược quy hoạch phát triển đàn bò sữa đi liền với chiến lược xây dựng thị trường tiêu thụ các sản phẩm sữa để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, tránh tái diễn thực trạng đáng lo ngại như ở xã Phù Đổng hiện nay.

 

ĐỨC MINH

Nguồn: nhandan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác