Nội bộ

Phụ nữ với công cuộc xóa nghèo bền vững

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng luôn bám sát chủ trương của Đảng và tổ chức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 Xây dựng và nhân rộng mô hình 

 

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng cho biết: Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội. Ngoài chương trình nhằm vào phụ nữ nghèo, hội còn tiến hành nhiều hoạt động khích lệ động viên tinh thần tương thân tương ái trong chị em và cộng đồng.

 

 Xác định vốn là yếu tố đầu tiên cần hỗ trợ, ngoài việc triển khai quỹ hỗ trợ từ Trung ương, hội còn tự tạo các nguồn vốn. Năm 2013, 6/12 huyện tham gia chương trình “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, với 1.797 triệu đồng giúp 411 hội viên. Hội đã xây dựng các mô hình tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, hùn vốn. Nhân rộng mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “5 giúp 1”, “15 giúp 1” thu hút 16.567 chị tham gia giúp cho 6.604 hội viên nghèo. 12/12 chi hội tại các huyện, thành triển khai mô hình nuôi heo đất, ống tre tiết kiệm… với 4.280 tổ với số tiền 33.246 triệu đồng. Từ nguồn tiết kiệm này, 10.476 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn.

 

Ngoài vốn tiết kiệm, việc giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn tín dụng luôn được các cấp Hội chú trọng. Theo thống kê của Phòng Tín dụng ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, dư nợ do Hội Phụ nữ tỉnh quản lý tính đến ngày 30/9/2013 là 843.437 triệu đồng của 43.723 hộ vay. Hoạt động huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn là 1.248 triệu đồng đạt 99,6%. Tính đến tháng 10/2013, Hội Phụ nữ của 6 đơn vị huyện, thành tiếp tục giao dịch với các chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tỉnh với dư nợ cho vay 7.359 triệu đồng/700 hộ.

 

Để trang bị cho chị em nhiều cách thức giảm nghèo, Hội Phụ nữ đã phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông tổ chức 354 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi cho 24.474 hội viên. Các cấp hội duy trì và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế đa dạng phù hợp với điều kiện từng địa phương như: Mô hình nuôi heo nái sinh sản, nuôi gà thả vườn, trồng ca cao xen điều ở huyện Đạ Tẻ; nuôi bò sữa, nuôi tằm ở Di Linh, Đơn Dương, Lâm Hà…; sản xuất rau, hoa sạch; trồng nấm ở Đức Trọng, Đam Rông… giúp chị em mạnh dạn làm ăn, sử dụng vốn vay hiệu quả. 

 

Ngoài ra hội còn hỗ trợ phụ nữ tham gia học nghề, tiếp cận với các chương trình, dự án dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động... Xây dựng các mô hình liên kết giữa phụ nữ nghèo với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ chi phí sản xuất, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Huy động các hộ có vốn, sản xuất giỏi tham gia làm nòng cốt giúp đỡ các hộ nghèo về phương pháp làm ăn hiệu quả.

 

Những chi hội điển hình 

 

Chi hội 9, phường 2, thành phố Đà Lạt, là một trong những chi hội có nhiều thành tích đáng ghi nhận trong công tác giúp phụ nữ xóa nghèo bền vững. Chị Nguyễn Thị Thu - Chi hội trưởng Chi hội 9, chia sẻ: Nhờ được sự hỗ trợ của Trung ương cũng như tỉnh hội và vốn tiết kiệm của chi hội nên công tác xóa nghèo bền vững tiến hành rất hiệu quả. Chi hội đã huy động được 36.500.000 đồng vượt 243,33% chỉ tiêu. Xây dựng 4 tổ tiết kiệm có 264 triệu đồng, ưu tiên cho chị em nào khó khăn hơn vay trước. Cán bộ phụ nữ chi hội 9 đã sáng tạo nhiều cách làm hay: Ra mắt câu lạc bộ “Phụ nữ từ thiện”, nêu cao tinh thần tương thân tương ái “mỗi tập thể, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Hình thành các tổ tán trợ 5 người, mỗi người đóng góp 100.000 đồng/tháng giúp đỡ những phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng chi hội vận động hội viên đóng góp giúp những chị em bệnh tật, mất khả năng lao động, gia đình neo đơn trên 100kg gạo.

 

Là một chi hội ở thành phố, không có diện tích đất để triển khai các mô hình nông nghiệp, cán bộ phụ nữ phường 9 đã thực hiện mô hình “5 giúp 1”, phát động nuôi 80 con heo đất, với số tiền 25.260.000 đồng giúp các chị em khó khăn có vốn buôn bán nhỏ, mua máy làm nghề thêu móc len. 

 

Bên cạnh đó, cách làm kinh tế từ nuôi bò sữa của Hội Phụ nữ xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương cũng là một trong những mô hình hiệu quả giúp chị em phụ nữ xóa nghèo. Đạ Ròn có 41% là dân tộc thiểu số. Toàn xã có 141 hộ nghèo trong đó dân tộc thiểu số chiếm 119 hộ với đặc thù này nên công tác xóa nghèo ở Đạ Ròn gặp nhiều khó khăn. 

 

Chị Đồng Thị Minh Hoài - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Ròn cho biết: Ngoài việc giúp chị em vay vốn Ngân hàng chính sách, chi hội còn có 19 tổ tiết kiệm với 362 thành viên, mỗi tháng tiết kiệm 24.700.000 đồng dư 465.600.000 đồng cho chị em vay vốn quay vòng. Với lợi thế về diện tích đất rộng, chi hội đã phối hợp với tỉnh hội mở lớp chăn nuôi bò sữa cho chị em. Lúc mới đầu mô hình này còn xa lạ nên ít hội viên hưởng ứng nhất là hội viên người dân tộc thiểu số. Trước tình hình đó, chi hội phụ nữ xã đã chọn thôn Ròn - thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc nhưng có lợi thế tự nhiên để chăn nuôi bò sữa làm mô hình thử nghiệm. Năm 2009, chi hội cho chị Ka Keck vay 10 triệu đồng làm vốn chăn nuôi bò sữa. Qua quá trình giúp đỡ về vốn và kỹ thuật, đến nay chị Ka Keck đã có đàn bò gồm 7 con cho sữa và 3 con bê trị giá gần 600 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, một con bò cho khoảng 26 lít sữa với giá hiện tại 15.000 đồng/lít. Tới nay, toàn bộ thôn Ròn đã chuyển qua nuôi bò sữa với tổng đàn trên 70 con. Hiện mô hình nuôi bò sữa đang được nhân rộng ra toàn xã, trong đó chú trọng tới những thôn có nhiều đồng bào dân tộc.

 

Năm 2013, Đạ Ròn thoát nghèo 55 hộ, riêng hội phụ nữ đã giúp đỡ thoát nghèo cho 22 hộ.

 

Với cách làm hiệu quả như trên, chỉ tính riêng năm 2013, trong tổng số 11.122 hội viên phụ nữ nghèo đã có 4.264 hội viên thoát nghèo. Hội phấn đấu trong năm tới tiếp tục ứng dụng nâng cao chất lượng những mô hình cũ, đồng thời tìm tòi sáng tạo thêm nhiều mô hình mới để có thể nâng cao hơn nữa con số hội viên thoát nghèo.

 

NGỌC NGÀ

Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác