Sữa Việt Nam

Bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam: Vừa hay vừa may, vẫn khó triển khai

Tại Việt Nam từng có chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn (2011 - 2013), nhưng với những rủi ro vốn có của ngành nông nghiệp, hoạt động này đã dừng lại.

 Sau đó, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp nhằm tái khởi động chương trình. Nhưng, để thực hiện được loại hình bảo hiểm này còn nhiều việc cần giải quyết.

 

Nông dân mua sự "yên tâm"

 

10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, hiện quy mô trang trại bò của ông Nguyễn Hữu Tuấn (Đơn Dương, Lâm Đồng) có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Lợi nhuận của trang trại bò sữa này trên dưới 2 tỷ đồng mỗi năm. Gia đình ông Tuấn cũng nhờ đó mà "đổi đời".

 

Thế nhưng, cũng trong ngần ấy năm, nỗi lo "trắng tay" có thể xảy ra bất cứ lúc nào luôn thường trực trong đầu của ông chủ trang trại với 300 con bò này. Bởi theo ông Tuấn, rủi ro đối với nông nghiệp trong đó có chăn nuôi bò là rất lớn, từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu cho tới rủi ro trong quá trình bò sinh đẻ, điện giật… Vì vậy, gia đình ông Tuấn vừa làm, vừa lo. Nhưng trong 2 năm trở lại đây, khi tham gia gói bảo hiểm bò sữa của Công ty CP bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), nỗi lo của ông Tuấn đã phần nào vơi bớt.

 

"Cách đây 10 năm xảy ra dịch lở mồm long móng, trang trại của gia đình bị chết 6 con bò, nhưng thời điểm đó chưa có bảo hiểm nên gia đình cũng đã thiệt hại không ít tiền. Lúc đó lo sợ lắm chứ, may là chết có 6 con chứ chết tới 60 con thì coi như gia sản không còn gì cả. Hay như vừa qua, có gia đình bị sét đánh chết 9 con bò trị giá tới 800 triệu đồng nhưng không có bảo hiểm, thiệt thòi lắm..." - ông Tuấn dẫn chứng. Theo ông, mua bảo hiểm bò sữa chính là bảo tồn được số vốn của mình, hay việc tham gia bảo hiểm này chính là "mua sự bình an", bởi khi rủi ro hàng loạt xảy ra, chỉ có bảo hiểm mới có thể bồi thường được hàng tỷ đồng, chia sẻ rủi ro cho bà con nông dân.

 

Bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam: Vừa hay vừa may, vẫn khó triển khai - Ảnh 1.

Gia đình ông Bùi Đăng Sơn (Lâm Đồng) cũng mua gói sản phẩm bảo hiểm vật nuôi của ABIC kể từ cuối năm 2019: "Lúc đó mua gói bảo hiểm của ABIC vì được giới thiệu chứ không hiểu biết nhiều, rất mơ hồ về các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, thấy bảo hiểm đỡ được rủi ro cho mình, đỡ thiệt hại kinh tế cho gia đình. Bây giờ thấy rất thích sản phẩm này. Vừa rồi rủi ro xảy ra đã được bảo hiểm bồi thường, đó thực sự là may mắn".

 

Chưa từng tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhưng khi chịu cảnh "trắng chuồng" vì dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Ngô Văn Thỏa (Nam Định) cũng đã có cái nhìn khác về bảo hiểm nông nghiệp. "Khi chịu cảnh "trắng chuồng" vì dịch bệnh, tôi mới hiểu phải có sự đảm bảo chắc chắn thông qua việc mua bảo hiểm cho vật nuôi. Đây cũng là bài học quý giá đối với người chăn nuôi như tôi" - ông Thỏa nói.

 

"Bài toán" hóc búa

 

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước đứng đầu về gánh chịu những hậu quả nặng nề trong số 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Dự báo đến 2050, tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7-2,4% GDP của Việt Nam. Ngoài ra, chỉ riêng thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 đã làm giảm 1,1% tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp...

 

Trong bối cảnh đó, bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm cho các rủi ro phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như rủi ro gắn liền với cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu, nhà xưởng…; được ví như "phao cứu sinh", "lá chắn" giúp nông dân hạn chế tổn thất trong sản xuất.

 

 

Bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam: Vừa hay vừa may, vẫn khó triển khai - Ảnh 3.

Đến nay, có 600 con bò sữa tại Lâm Đồng được mua bảo hiểm (chụp tại huyện Đơn Dương). Ảnh: T.L

 

 

 Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều nông dân không mặn mà tham gia loại hình bảo hiểm này. Trên thực tế, bảo hiểm nông nghiệp đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm từ những năm 1980 - 1990, như Bảo hiểm Bảo Việt triển khai thí điểm bảo hiểm một số vật nuôi và cây trồng (bò sữa, lúa) tại Nam Định, Hà Tĩnh. Groupama Việt Nam (100% vốn của Pháp) đã từng triển khai thí điểm bảo hiểm đối với vật nuôi (bò, lợn) ở Tây Nam Bộ..., nhưng tất cả đều chưa thành công.

 

Là doanh nghiệp tiên phong triển khai các gói sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp thương mại tới nông dân, đại diện ABIC thừa nhận, số lượng đơn bảo hiểm nông nghiệp đã cấp chưa đáp ứng được nguyên tắc số đông, xác suất rủi ro chưa được thống kê đầy đủ, do vậy các nhà tái hiện đang tính phí bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam rất cao: Chương trình 315 của Chính phủ phí 3,6%/năm (đã giảm phí 20%). Do vậy phí bảo hiểm làm tăng chi phí cho khoản vay, làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

 

Một nguyên nhân khác khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi là do nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế. Trong khi đó, một điều dễ nhận thấy là người dân Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về bảo hiểm nông nghiệp, chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích do loại hình bảo hiểm này đem lại. Điều này ảnh hưởng ít nhiều tới quyết định tham gia bảo hiểm nông nghiệp của bà con nông dân tại các địa phương.

 

Với những lý do trên, đến nay bảo hiểm nông nghiệp vẫn được ví như một "bài toán hóc búa" mà lời giải chính là sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, sự góp sức của các cơ quan ban ngành, các tổ chức tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và tất nhiên là không thể thiếu sự tham gia của đông đảo người dân.

 

Ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, các đơn vị bảo hiểm cần tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp để người dân thấy rõ mình được hưởng lợi ích gì. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hơn trong việc thiết kế sản phẩm đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng, ngành hàng khác nhau. Từ đó, các tổ chức, cá nhân muốn mua bảo hiểm sẽ có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, tăng tính hấp dẫn cho bảo hiểm nông nghiệp. 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác