Sữa Việt Nam

Mộc Châu khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp

Huyện Mộc Châu hiện có 38 Công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Các Công ty, doanh nghiệp, HTX đã cơ bản khai thác được tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu của Mộc Châu để phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

 Nổi bật trên lĩnh vực phát triển chăn nuôi là Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu với việc ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, chế biến, đóng gói sản phẩm, như: Xây dựng 3 trung tâm giống nuôi tập trung quy mô 500-1.000 con/trung tâm; xây dựng 1 nhà máy chế biến thức ăn công suất 25.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến sữa công nghệ Thụy Điển và Italia. Việc chăn nuôi bò sữa của Công ty đang được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap; quy trình chế biến sữa, tiêu thụ sản phẩm được kiểm soát theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2008 và HACCP Code 2003; hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Hiện Công ty đang có hơn 2.700 cán bộ, công nhân lao động trực tiếp với thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng, liên kết tiêu thụ sản phẩm với trên 700 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa. Năm 2015, Công ty nộp ngân sách Nhà nước 132 tỷ đồng. Huyện Mộc Châu đang chỉ đạo thực hiện hợp tác, liên kết giữa Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu với nhân dân trong việc trồng cây ngô ủ ướp cung cấp thức ăn cho bò; quy hoạch vùng chuyên canh cây ngô ủ ướp; xây dựng 1 trang trạng du lịch... Theo quy hoạch đến năm 2020, tổng đàn bò sữa Mộc Châu đạt 30.000 con; xây dựng được 8 trung tâm chăn nuôi tập trung với quy mô 1.000 con/trung tâm, 1 nhà máy chế biến sữa công suất 400 tấn/ngày; quy hoạch vùng trồng cỏ rộng 1.810 ha và 3.700 ha cây thức ăn tại 8 xã, thị trấn của huyện.


 

Trên lĩnh vực phát triển cây chè, Mộc Châu hiện có hơn 10 công ty, doanh nghiệp, HTX hoạt động với tổng diện tích chè đạt 1.822 ha ở 5 xã, thị trấn, với khoảng 600 người lao động thường xuyên trong các công ty, doanh nghiệp, HTX với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho khoảng trên 3.000 hộ dân vùng nguyên liệu. Các công ty, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh chè ở Mộc Châu đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp có những cánh đồng chè sản xuất theo quy trình sản xuất chè an toàn, trong đó có 267 ha được cấp giấy chứng nhận VietGap của các công ty, như: Công ty Vinatea Mộc Châu 19 ha, Công ty chè Mộc Sương 28 ha, Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ 220 ha. Huyện Mộc Châu đang tập trung chỉ đạo xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” cho chè Shan tuyết và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Chè Olong Mộc Châu”. Xây dựng phương án hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, huyện Mộc Châu tổ chức Hội trà cao nguyên Mộc Châu lần thứ Nhất để quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ.


 

Lĩnh vực phát triển rau hoa, cây ăn quả cũng đang phát triển mạnh ở Mộc Châu với 25 doanh nghiệp và HTX, diện tích rau, hoa đạt trên 1.100 ha, tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động thường xuyên. Huyện Mộc Châu đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng nhiều mô hình phát triển rau, quả ôn đới và mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình trồng hoa doanh thu đạt 1,5-2 tỷ đồng/ha/năm của Công ty cổ phần hoa Nhiệt đới; nhiều mô hình cây ăn quả kinh tế cao như dâu tây, hồng giòn, bơ, chanh leo, rau an toàn đạt từ 400-500 triệu/ha… Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX đã liên kết được với các hộ nông dân trong việc sản xuất, cung ứng sản phẩm để bán cho các siêu thị, nhà hàng ở Hà Nội thông qua hợp đồng và đơn hàng; nhiều doanh nghiệp, HTX đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGap, nhất là trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn; huyện Mộc Châu đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu “Rau an toàn Mộc Châu”.


 

Huyện Mộc Châu đang tích cực phối hợp với các ngành xây dựng quy hoạch phát triển các lĩnh vực có tiềm năng của huyện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Quy hoạch các vùng sản xuất trên địa bàn huyện, gồm: vùng chè an toàn, vùng chăn nuôi bò sữa, vùng rau an toàn. Ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 4-1-2016 của UBND huyện về phát triển HTX, Tổ hợp tác nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp 2016; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Đây là những tiền đề, yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Mộc Châu ngày càng ổn định và phát triển bền vững.

 


Phong Lưu

Nguồn: baosonla.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác