Sữa Việt Nam

Phải có lực lượng đối trọng với độc quyền tư nhân

Giá sữa tăng “bất thường” khiến người dân bất bình. Thực trạng này, phần nào cho thấy cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để quản lý.

Các biện pháp bình ổn giá, đối với mặt hàng này theo quy định của Luật Giá, cũng đang được xem xét. Trong đó có thể tính tới việc quản lý bằng cách áp dụng giá trần.

Nguyên nhân sữa tăng giá vẫn là dấu hỏi

Kể từ đầu năm 2014, rất nhiều sản phẩm của các hãng sữa đã tăng giá khoảng 5 - 10% so với trước. Nhiều hãng sữa khác dù chưa tăng nhưng đã có thông báo về lộ trình tăng giá trong thời gian sắp tới. Việc tăng giá sữa lần này, cũng đã khiến người tiêu dùng (NTD) tỏ ra bất bình. Tuy nhiên, “lý giải” về việc tăng giá, các doanh nghiệp (DN) sữa cho rằng: Do tăng chi phí đầu vào; lạm phát năm 2013; tăng chi phí nhân công, quản lý; điện và xăng dầu tăng giá; giá nhập khẩu nguyên liệu và nhập khẩu sản phẩm tăng... Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo vệ người tiêu dùng, mới đây lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, đang xem xét đưa ra áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa nói chung. Thậm chí, có thể dùng biện pháp áp giá trần để quản lý.

Trả lời PV về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, khẳng định: Quan điểm của Bộ Tài chính là quyết liệt làm đến nơi đến chốn việc tăng giá sữa.

“Hiện nay, 5 đoàn thanh kiểm tra đã tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sữa xem có chuyện cùng “bắt tay”. Nếu phát hiện trường hợp nào tăng giá bất hợp lý, Nhà nước sẽ tịch thu vào ngân sách tất cả tiền chênh lệch mà DN thu được do tăng giá quá mức. Thêm nữa, DN còn bị xử phạt vi phạm hành chính. Bộ Tài chính đang nắm bắt tình hình, các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá, theo quy định của Luật Giá. Trong đó có thể tính tới việc áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” – Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo quy định của Luật Giá, một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nằm trong danh sách bình ổn. Pháp luật đã quy định rõ, cơ quan Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của NTD, nên phải có trách nhiệm xem xét việc tăng giá bán sản phẩm có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý, tăng giá bất ổn, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với DN, đồng thời có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bình ổn giá trên thị trường.

Nhưng thực tế cho thấy, thị trường sữa Việt Nam đang bị “thống lĩnh” bởi các DN sữa nước ngoài. Với sự tham gia của khoảng 200 DN tư nhân – không có DN Nhà nước, sản phẩm rất đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã. Sự cạnh tranh giữa các DN sữa trên thị trường có thể nói là rất khốc liệt. Thời gian gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2013 đến nay, việc các DN đồng loạt, liên tiếp tăng giá sữa trong thời gian ngắn, đã khiến dư luận nghi ngờ về khả năng có sự “bắt tay, hợp tác”, nhằm thao túng thị trường, chèn ép NTD. Cũng có thể thấy, thời gian qua, chưa có chế tài nào mạnh, bằng chứng là trước bức xúc của người dân, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần vào cuộc “xử lý”. Tuy nhiên, sau đó thì DN sữa vẫn cứ tăng giá.


Theo các DN sữa, do giá nguyên liệu tăng, chi phí bán hàng, quản lý DN, chi phí tài chính, chi phí tiền lương điều chỉnh tăng nên DN phải tăng giá bán.    Ảnh: Sỹ Hào

 


Không thể tùy tiện

Có thể thấy, lần này những động thái tích cực trong việc ráo riết “điều tra” truy tìm những DN tăng giá sữa bất hợp lý. Hơn nữa, việc đang xem xét đưa sữa vào mặt hàng bình ổn giá, thậm chí quản lý bằng biện pháp áp trần giá cũng nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ, kỳ vọng vào một kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng “biện pháp áp trần giá”, trong điều kiện hiện nay, chỉ có thể “dọa” DN, chứ khó khả thi. 

Trao đổi với PV báo PL&XH, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD, bày tỏ băn khoăn: “Nếu thực hiện được việc áp giá trần, NTD sẽ an tâm hơn trong vấn đề giá sữa, khi đó không còn lo giá sữa cứ tăng mà không có điểm dừng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là biện pháp này có khả thi hay không, bởi lẽ sữa là mặt hàng không thuộc diện Nhà nước định giá” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Một vấn đề được ông Hùng đưa ra thắc mắc: Việc sử dụng công cụ áp giá trần trong điều kiện nguyên liệu sữa chủ yếu nhập từ nước ngoài, nếu giá nhập nguyên liệu (đầu vào) cao, trong khi giá bán (đầu ra) bị trần khống chế - thậm chí thấp hơn giá đầu vào, lúc này phát sinh lỗ thì liệu DN có chấp nhận?

“Vấn đề cốt lõi để quản lý giá sữa, lúc này NTD mong cơ quan chức năng quản lý giá, với công cụ pháp lý trong tay cần tăng cường quản lý bằng cách yêu cầu DN làm rõ nguyên nhân việc tăng giá, yêu cầu DN báo cáo cụ thể lý do tăng giá sữa. Trên cơ sở đó tiến hành thẩm định để xử lý việc tăng giá bất hợp lý. Việc thẩm định là trong tầm tay của cơ quan quản lý, khi ngành hải quan làm thủ tục nhập khẩu phải nắm rõ giá nhập. Ngoài ra còn có vai trò của các thương vụ ở nước ngoài, đặc biệt là việc minh bạch các thông tin có liên quan về giá để NTD giám sát.” – ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

“Thị trường sữa Việt Nam chủ yếu là các DN nước ngoài chiếm lĩnh, nên muốn quản lý tốt, cơ quan chức năng cần phải có thông tin cụ thể rõ ràng, về giá sữa nguyên liệu ở nước ngoài là bao nhiêu; thuế và chi phí nhập khẩu, chi phí vận chuyển thế nào… cộng thêm lợi nhuận của DN sẽ tính được giá thành sản phẩm sữa tại Việt Nam có hợp lý hay không? Tuy nhiên, các cơ quan quản lý không nắm được những thông tin này, vì thế không biết DN sữa tăng giá hợp lý hay không. Nếu tất cả những thông tin trên, cơ quan chức năng không nắm được, thì dù có quyết tâm hay không, ráo riết kiểm tra như thế nào đi nũa, cũng không có cơ sở để xử lý. Nhiều khả năng, DN “báo cáo” như thế nào thì “gật” thế ấy” – ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch hội siêu thị Hà Nội bày tỏ.

Giải pháp cho quản lý giá sữa?


Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, dùng biện pháp hành chính để quản lý giá như hiện nay chỉ là hạ sách, là biện pháp kém nhất trong các biện pháp để quản lý giá.

“Chúng ta phải dùng kinh tế để áp đảo kinh tế, dùng hàng hóa để áp đảo hàng hóa, dùng sữa để áp đảo sữa, dùng hệ thống phân phối để áp đảo hệ thống phân phối thì mới mong cứu vãn được. Nếu đã xác định đưa vào quản lý giá thì cần phải phối hợp thương vụ, hải quan, tài chính, y tế, công thương để làm tốt việc kiểm soát giá sữa. Thế nhưng, vai trò của các thương vụ ở nước ngoài, cùng các cơ quan quản lý ở Việt Nam, Bộ Công Thương; Bộ Tài chính… trong vấn đề quản lý giá sữa như hiện nay là thiếu sự phối hợp. Đặc biệt, tôi cảm thấy các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chẳng có thông tin gì về giá sữa để người dân trong nước được biết. Đến mức, NTD kêu than, giá sữa ở Việt Nam quá cao, so với nước ngoài thì lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng đành thừa nhận họ chưa so sánh về vấn đề này, mong sẽ có cơ quan nào đó thống kê giúp” – ông Vũ Vinh Phú nói.

Ông Vũ Vinh Phú đặt vấn đề, hiện nay Việt Nam có 200 DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực sữa. Tuy nhiên tất cả những DN này là của tư nhân, vậy thì vai trò của DN Nhà nước, các TCty thương mại ở đâu trong lĩnh vực này? Sữa là một mặt hàng thiết yếu, cho lợi nhuận cao mà bỏ mặc cho tư nhân làm là điều vừa đáng tiếc, vừa không phát huy vai trò “bình ổn” của DN nhà nước trong lĩnh vực này. Việc quản lý lại thiếu sát sao, không minh bạch, đương nhiên người dân lãnh đủ. 

Theo lý giải của ông Vũ Vinh Phú, việc các DN Nhà nước bỏ trống “mặt trận” này, có thể được nhìn nhận ở các khía cạnh sau: Thứ nhất, hiệu năng quản lý của Nhà nước kém, khi không giao nhiệm vụ cho các DN Nhà nước phải nhảy vào lĩnh vực này, bảo vệ người dân. Thứ hai, bản thân các Cty Nhà nước nhiều khi mải mê theo đuổi những thứ “trên trời”, mà không nhìn thấy nhu cầu thiết yếu của người dân. Thứ ba, cơ quan chức năng cũng chưa xác định được sự cần thiết để đưa một mặt hàng vào danh sách bình ổn. Trong khi sữa cần thiết như thế, không được bình ổn thì mặt hàng thủy hải sản, ở tất cả các siêu thị “ế” chỏng gọng - vì người dân không có tiền mua, vì tập quán ăn uống của người Việt không chuộng sản phẩm này, vẫn nằm trong mặt hàng bình ổn giá? Từ thực tế này, cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận đúng, để có những lựa chọn chính xác, bảo vệ NTD.


Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: “Kinh doanh sữa lãi cao tại sao không có Cty thương mại Nhà nước nào tham gia? Họ được tiền bình ổn giá, riêng Hà Nội quỹ bình ổn giá năm 2014 là 318 tỷ đồng; được hỗ trợ thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh; được vay vốn với lãi suất ưu đãi 0%... tại sao họ không nhảy vào lĩnh vực này, để đối trọng với tư nhân, để khống chế việc các DN tư nhân một mình một chợ, mặc sức tăng giá sữa như hiện nay? Trong khi mặt hàng sữa là rất thiết yếu cho xã hội, bất cứ ai cũng phải cần.”


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng: “Để quản lý giá sữa lúc này, NTD mong cơ quan có chức năng quản lý giá, với công cụ pháp lý trong tay cần tăng cường quản lý bằng cách yêu cầu DN làm rõ nguyên nhân việc tăng giá, yêu cầu DN báo cáo cụ thể lý do tăng giá sữa. Trên cơ sở đó tiến hành thẩm định để xử lý việc tăng giá bất hợp lý. Việc thẩm định là trong tầm tay của cơ quan quản lý, khi ngành hải quan làm thủ tục nhập khẩu phải nắm rõ giá nhập. Ngoài ra còn có vai trò của các thương vụ ở nước ngoài, đặc biệt là việc minh bạch các thông tin có liên quan về giá để NTD giám sát”


Sỹ Hào

Nguồn: phapluatxahoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác